Bình Dương đang thực hiện Đề án di dời các doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư ở phía Nam vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở phía Bắc. Lộ trình di dời sẽ hoàn thành vào năm 2030 nhằm chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở khu vực phía Nam.
Để tiếp nhận các doanh nghiệp di dời, Bình Dương đang quy hoạch 8 khu công nghiệp và 25 cụm công nghiệp ở các huyện phía Bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên). Ngoài ra, tỉnh cũng đang thành lập cụm công nghiệp chuyên ngành phục vụ di dời nhà máy của các doanh nghiệp gốm sứ, đồ gỗ. Hỗ trợ cho công tác di dời, Bình Dương dự kiến sẽ ban hành 12 chính sách, bao gồm 10 chính sách cho doanh nghiệp, 2 chính sách cho người lao động.
Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện di dời các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp (KCN) nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn các TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Ước tính số lao động đang làm việc tại các DN thuộc diện phải di dời gần 289.000 người.
Di dời theo lộ trình
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Đề án di dời DN, KCN ở phía Nam lên phía Bắc của tỉnh (hay còn gọi là Đề án 3210) ra đời từ năm 2019 và hiện nay đang bắt đầu triển khai kế hoạch. Cho nên, cả DN và người lao động đều đã nắm được chủ trương này của tỉnh.
Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, trong đó có lộ trình di dời. Cụ thể, các DN ở TP Thuận An sẽ di dời trong năm 2028; DN ở các TP Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Dĩ An sẽ di dời đến năm 2029.
Sở Công Thương cũng đã dự thảo 5 tiêu chí gồm môi trường, phòng cháy chữa cháy, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, công nghệ tiên tiến, chấp hành quy định của pháp luật. Hiện sở đang lấy ý kiến của các sở ngành, hiệp hội ngành hàng, liên đoàn, doanh nghiệp.
Nguồn: VOV và Internet.